Chăm sóc sản phụ đẻ thường an toàn đúng cách

18/07/2024

Sau khi trải qua quá trình sinh nở đầy thử thách, cơ thể mẹ rất yếu, đặc biệt là với những mẹ sinh thường. Do đó, một chế độ chăm sóc phù hợp sẽ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, việc chăm sóc như nào không phải ai cũng nắm rõ. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về chăm sóc sản phụ sau đẻ thường. Cùng theo dõi dưới đây nhé!

Chăm sóc vết khâu để tầng sinh môn sau sinh tại nhà

Chăm sóc vết khâu để tầng sinh môn sau sinh tại nhà

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật thường được sử dụng để rút ngắn thời gian sinh thường giúp em bé ra ngoài dễ hơn. Từ đó, hạn chế các tình huống không may có thể xảy ra như trẻ thiếu oxy lên não, ngạt thở dẫn tới tử vong trong hoặc sau khi sinh. Mặc dù vết rạch ngắn chỉ dài khoảng 2-4cm nhưng ở vị trí phần thịt mềm, luôn ẩm ướt và dễ nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách. Để tránh nhiễm trùng và giúp vết khâu nhanh lành, các mẹ cần chú ý những điều sau: 

  • Tương tự như cách chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà ở các sản phụ sinh mổ, chăm sóc vết khâu tầng sinh môn ở sản phụ sinh thường sản phụ cũng cần lưu ý giữ vùng vết khâu luôn sạch sẽ và khô ráo.
  • Luôn rửa tay trước khi chạm vào vết khâu. Sử dụng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh vùng kín hàng ngày. Sau khi đi vệ sinh, nên rửa lại và lau khô bằng khăn mềm, sạch. Chú ý lau nhẹ nhàng từ trước ra sau để giảm nguy cơ nhiễm trùng từ hậu môn.
  • Thay đổi băng vệ sinh thường xuyên ít nhất 3 lần/ ngày và đảm bảo không làm tổn thương vết khâu
  • Không nên thụt rửa, dùng Tampon hoặc các dung dịch vệ sinh ngay nếu chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Chú ý các dấu hiệu sưng, đỏ, nóng, đau hoặc có dịch mủ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu này, sản phụ cần đến bệnh viện để được kiểm tra và xử trí kịp thời.
  • Vết khâu tầng sinh môn có thể bị sưng và đau, để giảm bớt các triệu chứng này sản phụ có thể chườm lạnh lên vết khâu bằng miếng gạc lạnh hoặc túi đá lạnh. Lau khô vết khâu với khăn sạch sau khi chườm. Nếu tình trạng đau không thuyên giảm sản phụ có thể dùng thêm thuốc giảm đau để hỗ trợ như Paracetamol mà không ảnh hưởng đến việc cho con bú.
  • Tránh ngồi quá lâu để giảm áp lực đè lên vết mổ. Trong trường hợp bị đau khi ngồi, mẹ có thể lót thêm vải mềm hai bên mông hoặc ngồi trên đêm hơi để giảm áp lực đè lên vết khâu.
  • Chú ý nghỉ ngơi và dinh dưỡng để giúp vết thương lành nhanh hơn. Ngoài ra, việc vận động nhẹ nhàng giúp lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn giúp vết khâu giảm sưng và mau lành hơn.

Mách mẹ các lưu ý chăm sóc cơ thể sau sinh

Các dấu hiệu sự sống như huyết áp, nhiệt độ cơ thể, mạch

Huyết áp, nhiệt độ cơ thể, mạch… là những thông số giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của mẹ nhằm theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra sau sinh. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn được cho là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sản phụ sau sinh. Vì vậy, các dấu hiệu này không những cần theo dõi chặt chẽ ở những ngày đầu sau sinh tại bệnh viện mà khi ở nhà sản phụ vẫn cần được theo dõi để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.

Chăm sóc sản phụ sau đẻ thường cần chú ý sản dịch, tình trạng co hồi tử cung

Chăm sóc sản phụ sau đẻ thường cần chú ý sản dịch, tình trạng co hồi tử cung

Sản dịch là dịch được tiết ra từ âm đạo sau sinh, chứa máu, mô tử cung và chất nhầy. Việc theo dõi sản dịch có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá quá trình phục hồi của tử cung. Thông thường, tình trạng tiết sản dịch ở sản phụ sinh thường là 2-6 tuần sau sinh và có kinh nguyệt lại sau 4 tuần.

Trong những ngày đầu, cơ thể mẹ có thể tiết ra nhiều lượng sản dịch có màu đỏ tươi. Tuy nhiên lượng sản dịch sẽ giảm dần sau đó và nhạt dần khi sắp hết. Nếu sản dịch có mùi hôi và màu sắc sản dịch đỏ như máu không nhạt dần đi trong thời gian dài. Đồng thời, kèm các triệu chứng đau tức bụng có thể nguy cơ cao sản phụ bị bế sản dịch. Đây là vấn đề nguy hiểm, sản phụ cần lưu ý tới cơ sở y tế để được thăm khám và kịp thời hỗ trợ.

Bầu ngực, tuyến sữa

Ở những ngày đầu sau sinh, ngực của mẹ có thể sản xuất khá ít sữa, tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần cải thiện khi mẹ cho bé bú thường xuyên. Massage nhẹ nhàng vùng bầu ngực trước khi cho bé bú cũng là cách giúp kích thích, lưu thông máu và sữa của sản phụ tiết ra tốt hơn. Đồng thời, để có nhiều sữa cũng như nâng cao chất lượng sữa cho con, mẹ cần tăng cường bổ sung đa dạng các nguồn thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng sau sinh.

Trước mỗi và sau lần cho bé bú xong mẹ nên chú ý vệ sinh để giảm các nguy cơ áp xe hoặc viêm tuyến vú có thể xảy ra cũng như ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa cho bé. Ngoài ra, để giảm áp lực và giữ cho tuyến sữa được thông thoáng mẹ có thể sử dụng máy hút sữa bên cạnh việc cho con bú trực tiếp.

Vấn đề vệ sinh thân thể

Sau sinh cơ thể mẹ tiết nhiều mồ hôi và sản dịch, việc vệ sinh thân thể thường xuyên và đúng cách trong quy trình chăm sóc sức khỏe sau sinh thường giúp mẹ ngăn ngừa nhiễm trùng và có thể làm tinh thần thoải mái hơn. Với các mẹ sinh thường, thời gian hồi phục nhanh hơn có thể bắt đầu tắm gội, vệ sinh thân thể nhẹ nhàng sau 2-3 ngày.

Để tránh ảnh hưởng đến tầng sinh môn sau sinh thường, sản phụ không nên tắm ngâm bồn. Thay vào đó, nên sử dụng vòi hoa sen và tắm ở tư thế đứng. Tắm nước ấm sau sinh cũng được các bác sĩ lưu ý đối với sản phụ sau sinh.

Vận động sau sinh thường để nhanh hồi phục

So với sản phụ sinh mổ, thời gian hồi phục của sản phụ sinh thường diễn ra sớm hơn. Vì vậy việc vận động có thể bắt đầu sau ngày đầu tiên sau sinh bằng các việc tự ngồi dậy và tập đi lại nhẹ nhàng. Sau khi cơ thể đã dần ổn định hơn mẹ có thể thực hiện các bài tập tại nhà sau để cơ thể mau chóng hồi phục:

  • Đi bộ nhẹ nhàng
  • Thắt cơ sàn chậu (kegels)
  • Các bài tập cardio
  • Yoga hoặc Pilates
  • Tập luyện cơ bụng nhẹ nhàng để hỗ trợ tử cung và giảm mỡ thừa.

Mẹ sau sinh thường ăn gì để nhanh chóng phục hồi vết thương?

Mẹ sau sinh thường ăn gì để nhanh chóng phục hồi vết thương?

Tương tự như quá trình chăm sóc sức khỏe sản phụ sau sinh mổ, để nhanh chóng hồi phục vết thương cũng như sức khỏe sau sinh, mẹ cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và giàu chất dinh dưỡng. Một số loại nhóm thực phẩm nên bổ sung để nhanh chóng hồi phục vết thương sau sinh thường:

  • Thực phẩm giàu protein: Protein giúp cơ thể tái tạo mô và phục hồi vết thương, đồng thời hỗ trợ quá trình sản xuất sữa mẹ. Các nguồn thực phẩm giàu protein: thịt gà, thịt bò, cá trứng, sữa, đậu phụ…
  • Thực phẩm giàu sắt: sắt giúp tái tạo máu và tăng cường sức đề kháng, đặc biệt quan trọng sau khi mất nhiều máu trong quá trình sinh nở. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm: Thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, cải bó xôi, cải xoăn, đậu lăng…
  • Thực phẩm giàu canxi: Canxi giúp xương chắc khỏe và hỗ trợ sự phát triển của bé qua sữa mẹ. Sau sinh mẹ có thể bổ sung canxi từ sữa, cá hồi, hạnh nhân… hoặc thông qua các thực phẩm viên uống bổ sung.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Sau sinh nhiều bà mẹ dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa như táo bón. Vì vậy việc bổ sung chất xơ sau sinh là rất cần thiết. Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ mẹ có thể tham khảo: khoai lang, bơ, bông cải xanh, táo, hạnh nhân…

Có nên tái khám sức khỏe sau sinh?

Trải qua quá trình sinh nở, thể lực sản phụ rất yếu ớt, hệ miễn dịch kém rất dễ bị nhiễm bệnh. Tái khám sau sinh giúp kiểm tra tổng quát sức khỏe của mẹ, thông qua đó mẹ có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe từ đó có những biện pháp cải thiện đúng đắn.

Thời điểm từ 6-8 tuần sau sinh được cho là khoảng thời gian tiêu chuẩn để mẹ tái khám sau sinh. Lúc này bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng vết mổ, vết rạch tầng sinh môn, tình trạng dạ con, tử cung đã trở về trạng thái ban đầu hay chưa. Sức khỏe tâm lý, tinh thần sau sinh cũng được kiểm tra để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh.

Trên đây là toàn bộ thông tin về “Chăm sóc sản phụ sau đẻ thường như nào cho tốt?”. Mong rằng bài viết đã có thể giúp bạn giải đáp các băn khoăn, thắc mắc. Nếu cần được hỗ trợ tư vấn về vấn đề sức khỏe, đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được nhanh chóng giải đáp.

Dược sĩ Cồ Minh Hằng
Đã kiểm duyệt nội dung
Xem thêm thông tin

CÓ THỂ BẠN CŨNG QUAN TÂM