Cách nhổ răng sún cho bé tại nhà an toàn, không đau

22/11/2024

Sún răng là giai đoạn tự nhiên trong sự phát triển của trẻ, khi những chiếc răng sữa dần rụng để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, việc nhổ răng sữa không đúng cách có thể gây tổn hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm răng sau này. Để giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn trong việc hỗ trợ con trẻ, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách nhổ răng sún cho bé tại nhà an toàn, không đau – một giải pháp vừa đơn giản vừa hiệu quả, giúp bé yêu vượt qua giai đoạn này dễ dàng.

Chọn thời điểm nhổ răng sún phù hợp cho bé

Cách nhổ răng sún cho bé tại nhà

Không phải cứ thấy răng sún của bé bắt đầu lung lay là có thể nhổ ngay. Việc nhổ răng cần được thực hiện đúng thời điểm, khi chân răng sữa đã tiêu biến hoàn toàn để tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Nếu nhổ răng quá sớm, trẻ có thể gặp phải:

  • Đau đớn nhiều hơn do chân răng chưa tiêu hết.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của răng vĩnh viễn, có thể gây lệch lạc hoặc sai khớp cắn.

Cha mẹ nên đợi đến khi chiếc răng di chuyển qua lại dễ dàng mà không gây khó chịu cho trẻ. Điều này thường mất vài tuần, thậm chí vài tháng, vì vậy sự kiên nhẫn của phụ huynh trong giai đoạn này là rất quan trọng. (1)

Chủ động dạy trẻ tự lung lay răng

Một cách đơn giản và hiệu quả để giúp răng sún của trẻ rụng tự nhiên là khuyến khích bé tự đẩy lỏng chiếc răng lung lay. Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ thực hiện:

  • Sử dụng lưỡi để đẩy nhẹ răng lung lay về phía trước và phía sau.
  • Dùng ngón tay sạch để nhẹ nhàng xoay hoặc lay răng

Việc này không chỉ giúp răng lung lay nhanh hơn mà còn giảm đáng kể cảm giác đau khi răng rụng. Tuy nhiên, cần đảm bảo tay và miệng bé luôn sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Giảm đau bằng cách gây tê nướu

Trước khi nhổ răng, phụ huynh có thể giúp bé giảm cảm giác đau bằng một số biện pháp làm tê nướu:

  • Sử dụng thuốc mỡ gây tê tại chỗ: Loại thuốc này thường được nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa kê đơn, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Chườm lạnh bằng đá: Đặt một miếng vải mỏng bọc viên đá lạnh lên vùng nướu xung quanh răng cần nhổ. Điều này không chỉ làm tê khu vực nướu mà còn giúp giảm sưng và hạn chế chảy máu.

Thao tác phải thật dứt khoát khi nhổ răng sún

Dứt khoát khi nhổ răng sún

Một trong những cách nhổ răng sún không đau chính là khi chiếc răng đã lỏng hoàn toàn, phụ huynh có thể thực hiện thao tác nhổ răng nhanh chóng và dứt khoát như sau:

  • Vệ sinh vùng miệng: Dùng gạc sạch để lau qua chiếc răng và nướu xung quanh, hoặc sử dụng nước muối sinh lý hay xịt ngừa sâu răng để vệ sinh răng miệng hàng ngày.
  • Nắm chặt răng: Dùng một miếng gạc khác hoặc đeo găng tay cao su để bám chặt vào chiếc răng cần nhổ.
  • Kéo dứt khoát: Thực hiện động tác kéo nhanh, hướng thẳng ra ngoài, tránh kéo nghiêng hoặc lặp lại nhiều lần để không gây đau đớn hoặc tổn thương nướu.

Việc nhổ răng đúng cách sẽ giúp bé ít đau hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng.

Tuyệt đối không được nhổ răng theo phương pháp “tay nắm cửa”

Dù phương pháp buộc dây răng vào tay nắm cửa và đóng mạnh cửa được nhiều người truyền miệng là thú vị và nhanh gọn, nó thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro:

  • Có thể gây chảy máu nhiều nếu răng chưa đủ lỏng.
  • Làm bé bị đau đớn vì lực kéo mạnh và không kiểm soát.
  • Tăng nguy cơ tổn thương nướu hoặc các mô xung quanh.

Thay vì áp dụng phương pháp này, phụ huynh nên kiên nhẫn chờ đợi hoặc tham khảo ý kiến nha sĩ để đảm bảo sự an toàn cho con.

Lưu ý quan trọng khi nhổ răng sún

  • Chăm sóc vết thương: Đặt một miếng gạc sạch lên vị trí vừa nhổ và hướng dẫn bé cắn nhẹ trong 10-15 phút để cầm máu.
  • Vệ sinh miệng: Khuyến khích trẻ súc miệng bằng nước muối loãng ấm để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tránh ăn đồ cứng: Cho bé ăn thức ăn mềm và nguội trong 1-2 ngày đầu sau khi nhổ răng.

Kết luận

Nhổ răng sún nếu được thực hiện đúng cách không chỉ giúp bé cảm thấy thoải mái mà còn đảm bảo sức khỏe răng miệng lâu dài. Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết trên, các bậc phụ huynh sẽ tự tin hơn khi hỗ trợ con vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng và an toàn. Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe cho bé yêu và gia đình bạn.

Nguồn thông tin bài viết tham khảo:

(1). When Children Begin to Lose their Baby Teeth. (2023). HealthyChildren.org. https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/oral-health/Pages/When-Children-Begin-to-Lose-their-Baby-Teeth.aspx

Dược sĩ Cồ Minh Hằng
Đã kiểm duyệt nội dung
Xem thêm thông tin

CÓ THỂ BẠN CŨNG QUAN TÂM