Dinh dưỡng cho bà bầu thiếu máu: Bí quyết giúp mẹ khỏe, con phát triển toàn diện

22/07/2024

Dinh dưỡng cho bà bầu thiếu máu là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi. Việc bổ sung dinh dưỡng đúng cách là một trong những biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, bổ sung như nào cho hợp lý và nên lựa chọn những loại thực phẩm nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu ở các mẹ bầu

Khi nào các mẹ bầu được chẩn đoán là thiếu máu?
Khi nào các mẹ bầu được chẩn đoán là thiếu máu?

Thiếu máu thai kỳ thường được chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm máu, cụ thể là nồng độ là nồng độ Hemoglobin (HgB) và Hematocrit (HCT). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phụ nữ mang thai được coi là thiếu máu khi nồng độ Hemoglobin trong máu dưới 11 g/dL. Tình trạng thiếu máu có thể chia thành nhiều cấp độ:

  • Thiếu máu nhẹ: HgB > 10g/dL
  • Thiếu máu vừa: HgB từ 8-10g/dL
  • Thiếu máu nặng: HgB dưới 8g/dL

Tình trạng thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân thiếu máu ở bà bầu phổ biến là do thiếu sắt. Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng xấu đến bà bầu mà còn gây nhiều hậu quả tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi sau này. (1)

Mẹ bầu thiếu máu trong thai kỳ cần bổ sung gì?

Mẹ bầu thiếu máu trong thai kỳ cần bổ sung gì?
Mẹ bầu thiếu máu trong thai kỳ cần bổ sung gì?

Bổ sung thông qua thực phẩm chứa nhiều sắt

Bổ sung sắt qua chế độ ăn là phương pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu máu thai kỳ. Tuy nhiên, phụ nữ đang mai thai nên ăn những nguồn thực phẩm nào bổ sung sắt, để vừa tốt cho mẹ vừa không ảnh hưởng đến bé thì cần có sự hướng dẫn cụ thể. 

Sắt có trong nhiều nguồn thực phẩm và tồn tại ở 2 dạng là sắt heme và sắt không heme.Trong đó: 

Sắt heme chứa nhiều ở động vật

Sắt heme là loại sắt chứa Hemoglobin, được cho là nguồn sắt tốt nhất cho cơ thể và rất dễ hấp thu. Dạng sắt này được tìm thấy trong các thực phẩm có màu đỏ đậm như:

  • Thịt đỏ: Thịt bò, thịt heo, thịt cừu…
  • Một số loại cá: Cá tuyết, cá thu, cá rô, cá ngừ và cá bơn.
  • Động vật có vỏ: Nghêu, trai, sò, ốc…
  • Gan và các nội tạng động vật

Sắt không heme (Non heme) chứa nhiều ở thực vật

Sắt không heme hay sắt non heme là loại sắt không có Hemoglobin, được tìm thấy trong nguồn thực phẩm từ thực vật. Loại sắt này bổ sung giúp tăng cường và chiếm lượng tiêu thụ tương đối lớn, nhiều hơn so với sắt heme. Những thực phẩm giàu sắt không heme:

  • Các loại rau có màu sẫm như: Cải bó xôi, rau bina, bông cải xanh…
  • Các loại đậu: đậu lăng, đậu đen, đậu hà lan…
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, lúa mì, gạo lứt…

Các nguồn bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu thiếu máu khác

Để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sắt hàng ngày theo khuyến nghị, ngoài việc bổ sung thông qua các nguồn thực phẩm đa dạng, bà bầu cũng nên chủ động bổ sung sắt bằng những viên uống hàng ngày. Tùy vào tình trạng sức khỏe và giai đoạn thai kỳ khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định.

Các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ bổ sung sắt cho bà bầu trên thị trường hiện nay thường ở dạng hữu cơ và vô cơ. Trong đó, sắt dạng hữu cơ được ưu tiên hơn cả do ưu điểm dễ hấp thu, ít nóng và ít tác dụng phụ cho mẹ bầu. 

Ngoài ra, với hai dạng bào chế nước và viên uống mẹ bầu có thể dễ dàng chọn lựa để bổ sung sắt cho thai kỳ. Bào chế dạng nước thường khá khó uống, tuy nhiên dạng nước sẽ dễ hấp thu và ít gây táo bón hơn cho mẹ bầu. Mặt khác, sắt bào chế dạng viên sẽ dễ uống, không gây cảm giác buồn nôn nhưng lại dễ gây nóng trong và khả năng hấp thu sẽ kém hơn so với dạng nước.

Cách tăng hấp thu sắt khi mang thai

Bên cạnh bổ sung các thực phẩm giàu sắt, để tối ưu, tăng hấp thu sắt cho cơ thể mẹ bầu nên kết hợp bổ sung cùng các thực phẩm giàu vitamin C như cam, dâu tây, kiwi, ớt chuông… trong bữa ăn hàng ngày. 

Mặt khác, hạn chế sử dụng các chất kích thích như cafe, trà và sữa cùng lúc với các bữa ăn giàu sắt, bởi chúng có thể gây cản trở hấp thu sắt của cơ thể. Uống thuốc kháng acid cùng lúc với sắt cũng khiến quá trình hấp thu sắt diễn ra kém hơn. Mẹ bầu nên lưu ý để cơ thể được bổ sung sắt tốt nhất.

Bà bầu thiếu máu không nên ăn gì?

Khi bị thiếu máu thai kỳ, việc điều chỉnh chế độ ăn uống có ý nghĩa rất quan trọng. Để giúp cải thiện thiếu máu, các mẹ bầu nên tránh một số loại thực phẩm có thể làm tình trạng thiếu máu trở nên nghiêm trọng hơn hoặc cản trở việc hấp thụ sắt. Dưới đây là một số thực phẩm bà bầu nên hạn chế hoặc tránh:

Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa mặc dù rất tốt cho sức khỏe xương, nhưng canxi trong sữa có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Nếu cần bổ sung đồng thời canxi trong thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý không dùng sắt cùng thời điểm với sữa, hay các thực phẩm giàu canxi.

Rau chân vịt, cải bắp

Rau chân vịt và cải bắp là hai loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên acid oxalic có chứa trong 2 loại rau này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt từ các thực phẩm khác. Vì vậy, nếu bổ sung những thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày, mẹ bầu nên cân nhắc kết hợp với các thực phẩm giàu sắt khác.

Thực phẩm chứa nhiều Tanin

Tanin có trong trà và cà phê có thể gây ức chế hấp thụ sắt. Nếu bà bầu thích uống trà hoặc cà phê nên uống cách xa bữa ăn. Tuy nhiên, việc uống trà và cafe chứa nhiều tanin không được khuyến khích trong thời gian thai kỳ. Do đó, mẹ bầu nên hạn chế để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Thực phẩm chứa nhiều muối

Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tình trạng giữ nước và tăng huyết áp thai kỳ, không tốt cho sức khỏe bà bầu.

Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo, phụ gia và các bảo quản không lành mạnh. Những chất này có thể gây tương tác, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, bao gồm sắt trong cơ thể. Do đó, để duy trì sức khỏe tốt và cải thiện khả năng hấp thụ sắt, bà bầu nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó bằng những thực phẩm tươi sống và giàu dinh dưỡng

Thực đơn cho bà bầu thiếu máu

Thực đơn cho bà bầu thiếu máu
Thực đơn cho bà bầu thiếu máu

Trong giai đoạn mang thai, việc ăn uống của mẹ bầu khá nhạy cảm, đặc biệt là những tháng đầu thai kỳ. Vì vậy, cần khéo léo kết hợp các thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày để đảm bảo mẹ bầu vân ăn ngon miệng, đồng thời vẫn cung cấp đủ sắt và các dưỡng chất cần thiết. Một vài gợi ý thực đơn dành cho mẹ bầu thiếu máu, thiếu sắt thai kỳ:

Thực đơn 1

  • Bữa sáng: Bánh mì nguyên cám với bơ hạnh nhân và một ly nước cam
  • Bữa phụ: 1 cốc sinh tố trái cây
  • Bữa trưa: Cơm, rau cải xào, gà nướng, súp đậu đen
  • Bữa xế: Yến mạch mix sữa chua, trái cây.
  • Bữa tối: Cơm gạo lứt, tôm xào, bông cải xanh, súp lơ luộc

Thực đơn 2

  • Bữa sáng: Cháo cá, nước ép trái cây
  • Bữa phụ: Sữa hạt
  • Bữa trưa: Cơm, thịt bò xào chua ngọt, canh cá chép, trái cây tráng miệng
  • Bữa xế: Bánh dinh dưỡng từ các loại hạt
  • Bữa tối: Cơm, trứng sốt cà chua, canh cua nấu rau đay

Thực đơn 3

  • Bữa sáng: Trứng luộc, 1 cốc sữa
  • Bữa phụ: ngũ cốc mix trái cây
  • Bữa trưa: Cơm, gan heo cháy tỏi, đậu nhồi thịt, canh củ quả
  • Bữa xế: 1 cốc chè
  • Bữa tối: Cơm, canh bí đỏ nấu thịt bằm, sườn xào chua ngọt.

Trên đây là toàn bộ nội dung về “Dinh dưỡng cho bà bầu thiếu máu”. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp các thông tin cần thiết cho bạn, việc lựa chọn thực phẩm giàu sắt và bổ sung hợp lý không chỉ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu mà còn đảm bảo sức khỏe tốt cả mẹ và bé. Hãy luôn chú ý đến chế độ dinh dưỡng và tham khảo ý kiến bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!

Nguồn thông tin bài viết tham khảo:

(1). Mph, R. E. W. P. (2024, April 25). Iron-Rich foods to eat during pregnancy. Parents. https://www.parents.com/iron-rich-foods-for-pregnancy-8636021

Dược sĩ Cồ Minh Hằng
Đã kiểm duyệt nội dung
Xem thêm thông tin

CÓ THỂ BẠN CŨNG QUAN TÂM