Tam cá nguyệt là gì? Hé lộ điều ít ai biết về tam cá nguyệt thai kỳ

01/08/2024

Tam cá nguyệt là một khái niệm không quá xa lạ đối với các bà bầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa cũng như vai trò của tam cá nguyệt trong thai kỳ. Trong bài viết này, Altaco sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tam cá nguyệt, cách tính tuổi thai và tại sao lại gọi là tam cá nguyệt. Cùng khám phá bài viết dưới đây nhé!

Mục lục bài viết

Tam cá nguyệt là gì? Tại sao lại gọi là tam cá nguyệt?

Tam cá nguyệt là gì? Tại sao lại gọi là tam cá nguyệt
Tam cá nguyệt là gì? Tại sao lại gọi là tam cá nguyệt

Tam cá nguyệt là một thuật ngữ được dùng để phân chia thời gian khi mang thai. Thuật ngữ này xuất phát từ cách tính tuổi thai theo 3 giai đoạn và tương ứng với nó là một tam cá nguyệt thai kỳ, cụ thể:

  • Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ – Tam cá nguyệt thứ nhất
  • Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ – Tam cá nguyệt thứ hai
  • Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ – Tam cá nguyệt thứ ba

Mỗi giai đoạn tam cá nguyệt kéo dài 13 tuần và được tính bắt đầu từ tuần đầu tiên cấn bầu. Việc phân chia các giai đoạn khi mang thai thành từng tam cá nguyệt giúp mẹ bầu dễ dàng theo dõi và nắm được điểm chung tình trạng sức khỏe thai kỳ, từ đó có những điều chỉnh về dinh dưỡng, vận động… sao cho phù hợp. Hơn thế, phân chia rõ từng tam cá nguyệt cũng thuận tiện cho quá trình thăm khám và giúp bác sĩ đưa ra những lời khuyên cho thai phụ chính xác hơn.

Tam cá nguyệt thứ nhất

Tam cá nguyệt thứ nhất tương ứng 3 tháng đầu thai kỳ, bắt đầu từ tuần thứ nhất đến tuần thứ 13. Đây là giai đoạn đầu tiên của thai kỳ và mang lại nhiều thay đổi cho cơ thể cũng như tâm lý của bà bầu.

Những thay đổi của mẹ bầu trong tam cá nguyệt đầu

Sự thay đổi về cảm xúc

Trong tam cá nguyệt đầu, sự thay đổi về hormone có thể khiến cảm xúc của mẹ bầu trở nên thất thường có thể là vui vẻ, hạnh phúc nhưng đôi khi lại thấy tâm trạng lo lắng, buồn bã, dễ cáu gắt. Giai đoạn này, gia đình, người thân hãy dành nhiều sự quan tâm, chia sẻ để giải tỏa cảm xúc và giúp bà bầu dần thích nghi với vai trò mới này.

Ốm nghén

Ốm nghén là triệu chứng xảy ra phổ biến ở tam cá nguyệt đầu. Ốm nghén đi kèm với các triệu chứng nhạy cảm với mùi dễ buồn nôn, nôn, khó tiêu, người thường nôn nao… khiến việc ăn uống của mẹ bầu trở nên khó khăn.

Ngực căng, đau ngực

Khi mang thai nồng độ 2 hormone estrogen và progesterone tăng cao làm mẹ bầu cảm thấy ngực trở nên căng và đau tức. Đây là những triệu chứng bình thường, nó có thể lớn và nhạy cảm hơn khi các tuyến sữa phát triển ở thời kỳ sau sinh.

Đi tiểu nhiều

Thai nhi phát triển đồng nghĩa với kích thước tử cung bà bầu cũng phát triển, điều này làm chèn ép lên bàng quang khiến tần suất đi tiểu tăng lên. Ngoài ra, khi mang thai tuần hoàn máu cũng tăng cao hơn bình thường, thận phải xử lý thêm nhiều chất lỏng và dồn vào bàng quang.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến trong tam cá nguyệt thứ nhất. Sự thay đổi hormon và việc cơ thể phải làm việc nhiều hơn để nuôi dưỡng thai nhi có thể là nguyên nhân khiến bà bầu cảm thấy mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Thèm ăn hoặc chán ăn

Thay đổi nội tiết tố hoặc ốm nghén khi mang thai có thể khiến khẩu vị của bà bầu thay đổi. Trong giai đoạn ốm nghén, mẹ bầu có thể đặc biệt thèm ăn một món nào đó hoặc chán ăn, dễ buồn nôn với các món ăn có mùi quá nồng.

Táo bón

Trong thời kỳ mang thai, một số hormon trong cơ thể tăng cao, giảm vận động hoặc do bổ sung sắt… có thể nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón thai kỳ.

Ợ nóng

Ợ nóng thường xảy ra do hormone progesterone làm giãn cơ van dạ dày, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Để giảm bớt triệu chứng này, mẹ bầu nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn thức ăn cay nóng và nằm nghỉ ngay sau khi ăn.

Sự phát triển của bé

Trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu, thai nhi sẽ trải qua nhiều sự phát triển quan trọng. Quá trình phát triển của thai kỳ trong tam cá nguyệt đầu:

  • Hai tuần đầu phôi thai bắt đầu hình thành và làm tổ, phát triển từ một tế bào thành một nhóm tế bào.
  • Tuần thứ 5: phôi thai bắt đầu phát triển nhanh chóng, hệ thống tuần hoàn và tim bắt đầu hình thành.
  • Tuần thứ 6: bắt đầu có tim thai. Các bộ phận như mũi, miệng, tai của bé dần hình thành. Đồng thời, ruột, não bộ và tủy sống cũng phát triển. Kích thước lúc này khoảng 4-7mm.
  • Tuần thứ 7: các chi và cơ quan nội tạng dần hình thành và phát triển. Chiều dài phôi thai khoảng 9-15 mm.
  • Tuần thứ 8: Phôi thai dài khoảng 1cm, các cơ quan như hệ thần kinh, hô hấp bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ.
  • Tuần thứ 9: các hình thái cơ bản dần hình thành, đuôi nòng nọc cũng biến mất. Ba mẹ có thể nhìn thấy hình hài con, thậm chí cả dái tai của con qua siêu âm.
  • Tuần thứ 10: kích thước thai nhi đã lớn hơn khoảng bằng quả cherry, đôi tay và chân bắt đầu phân biệt rõ ràng không còn giống như mái chèo, có thể gập duỗi.
  • Tuần thứ 11: cuống rốn của thai nhi đã hoàn chỉnh hơn về vai trò cung cấp dinh dưỡng cũng như đào thải chất thải ra khỏi bào thai. Kể từ tuần thai này, thai nhi có bước chuyển mình về hình hài rõ hơn, thanh quản lúc này cũng bắt đầu hình thành.
  • Tuần thứ 12: Các chức năng cơ bản của hệ thần kinh trung ương, hệ bài tiết, tim, gan cơ bản hoàn thiện hơn.
  • Tuần thứ 13: Bé đã lớn bằng quả chanh, có dấu vân tay và có thể dễ dàng ngó đầu, có các biểu hiện thay đổi cơ mặt như cau mày, nhăn mặt.

Những điều mẹ cần làm trong tam cá nguyệt thứ nhất

Tam cá nguyệt đầu là thời điểm nhạy cảm nhất khi mang thai, nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh rất dễ xảy ra. Một số điều mẹ cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi:

Khám thai

Những điều mẹ cần làm trong tam cá nguyệt thứ nhất
Những điều mẹ cần làm trong tam cá nguyệt thứ nhất

Việc khám thai định kỳ rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai. Thông qua thăm khám bác sĩ sẽ nắm được tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé, từ đó có những phương án xử trí kịp thời nếu bất thường xảy ra. Khám thai ở tam cá nguyệt thứ nhất có thể rơi vào tuần 7-10 và 12-13, tùy vào chỉ định của bác sĩ.

Xét nghiệm sàng lọc

Đây là xét nghiệm cần thiết thường thực hiện trước sinh ở tam cá nguyệt đầu. Xét nghiệm này giúp bác sĩ sàng lọc và tầm soát các nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Siêu âm độ mờ da gáy

Siêu âm độ mờ da gáy là một xét nghiệm quan trọng để kiểm tra nguy cơ mắc các vấn đề di truyền như Down hoặc các bất thường khác. Siêu âm này thường thực hiện ở cuối tam cá nguyệt thứ nhất ở tuần thứ 11-13.

Tránh xa những thứ có thể gây ảnh hưởng đến bé

Khói thuốc lá, rượu, bia, các bức xạ từ môi trường như sóng điện thoại, wifi… có thể là những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, trong giai đoạn thai kỳ, mà bầu nên ý thức việc hạn chế tiếp xúc với những thứ đó. 

Dinh dưỡng

Duy trì chế độ dinh dưỡng cần bằng và chú trọng bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm. Ở giai đoạn này, nhiều bà bầu trải qua tình trạng ốm nghén, nhạy cảm với mùi, dễ buồn nôn, nôn có thể khắc phục bằng cách chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày và nên chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, ít mùi.

Chế độ sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt ở tam cá nguyệt đầu mẹ bầu cũng cần chú ý đến việc nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngoài ra, vận động thể dục nhẹ nhàng khi mang thai không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp tâm trạng của mẹ bầu tốt hơn.

Tam cá nguyệt thứ hai

Giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu từ tuần thứ 14 – tuần thứ 27 thai kỳ. Không kém tam cá nguyệt đầu, tam cá nguyệt thứ hai được coi là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển các cơ quan và chuẩn bị cho giai đoạn cuối của thai kỳ.

Sự phát triển của thai nhi

Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ 2
Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ 2

Ở tam cá nguyệt này mẹ sẽ cảm nhận rõ được sự phát triển của thai nhi, bé phát triển lớn hơn và cơ thể gần như hoàn thiện.

  • Tuần 14, bước sang tuần thai này cân nặng và kích thước của bé phát triển khá nhanh. Trung bình mỗi tuần trọng lượng tăng khoảng 2g. Các tế bào thần kinh cũng nhân lên vài triệu so với những tuần thai trước, cơ quan sinh dục của bé cũng hình thành rõ ràng hơn.
  • Tuần 15, bé đã lớn bằng quả táo. Mặc dù ở tuần thai này mí mắt của bé chưa mở nhưng vẫn có thể phản ứng với ánh sáng đi qua bụng mẹ. Tuần thai này mẹ có thể thực hiện các xét nghiệm để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down.
  • Tuần 16, hệ xương của bé phát triển tốt hơn, mẹ có thể cảm nhận được thai máy do sự bung đạp từ đôi chân cứng cáp của bé. Ngoài ra, lông mày, mí mắt, móng tay, móng chân, ngón chân, ngón tay cũng xuất hiện rõ ràng hơn ở tuần thai này.
  • Tuần 17, kích thước của bé lớn gần bằng một củ cải trắng. Lúc này, bé có thể di chuyển khớp và tuyến mồ hôi cũng phát triển hơn. Đặc biệt có thể nghe rõ âm thanh từ bên ngoài, vì vậy mẹ có thể nói chuyện hoặc cho bé nghe nhạc để phát triển trí não.
  • Tuần 18, các chi trên của bé đã phát triển đồng đều và cân đối hơn. Hệ xương của bé dần hoàn thiện, bé bắt đầu vận động nhiều hơn trong bụng mẹ. Những sợi tóc đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện ở tuần thai này.
  • Tuần 19, cơ quan sinh dục của bé đã hoàn chỉnh hơn, mẹ có thể xác định giới tính bé thông qua siêu âm.
  • Tuần 20, kích thước và cân nặng của bé lớn hơn tương đương với trái xoài. Mặc dù mắt bé vẫn còn nhắm nhưng đồng tử đã có thể thực hiện một số cử động.
  • Tuần 21, hệ cơ và xương của bé dần cứng cáp hơn. Tuần thai này, kích thước của bé cũng lớn đáng kể, khiến tử cung chèn ép lên cơ hoành làm mẹ dễ bị khó thở, thở gấp hơn.
  • Tuần 22, cơ quan vị giác bắt đầu hình thành. Đồng thời, các đặc điểm như môi, tóc và lông mày của bé đã rõ ràng hơn, kích thước gần bằng trái bí đỏ. Các động tác đạp, xoay của bé từ giờ đã rõ ràng và mạnh mẽ hơn đôi khi làm cho mẹ cảm thấy nhói ở bụng.
  • Tuần 23, các đường nét trên khuôn mặt bé dần rõ ràng hơn. Thân hình mũm mĩm, khung xương và xương sọ tiếp tục phát triển.
  • Tuần 24, da của bé căng hơn do phát triển của mô mỡ dưới da. Ở tuần thai này, bé đã biết chớp mắt và có sự phát triển vượt bậc về hệ thần kinh, khả năng nghe cũng như các giác quan. Vì vậy, ba mẹ có thể chú trọng tới thai giáo cho thai nhi để phát triển trí não.
  • Tuần 25, các cơ quan và bộ phận trên cơ thể bé đã hoàn chỉnh, cân nặng và chiều cao tăng lên nhanh chóng. Kích thước của bé lúc này lớn tương đương quả dưa lưới, cân nặng đạt khoảng 660g.
  • Tuần 26, mẹ sẽ cảm nhận được các chuyển động đột ngột do nấc cụt của bé, hiện tượng ngủ ngắn gia tăng để hoàn thiện thị giác và não bộ.
  • Tuần 27, đây là tuần thai cuối cùng của tam cá nguyệt thứ hai. Thai nhi lớn gần bằng cây cải xoăn. Trung bình, kích thước của bé dài khoảng 34-36cm và nặng tầm 1kg. Lúc này, các chức năng của hệ tiêu hóa, phổi, thận của bé đã trở nên ổn định hơn.

Tam cá nguyệt thứ 2 mẹ bầu có những thay đổi gì?

Trong tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi dần ổn định, các biểu hiện của ốm nghén cũng như các triệu chứng không thoải mái ở tam cá nguyệt đầu của mẹ bắt đầu giảm đi đáng kể. Ở giai đoạn này, mẹ bắt đầu có những thay đổi rõ rệt ở phần bụng, ngực do sự phát triển của bé và thay đổi nội tiết. 

Mẹ bầu nên làm gì ở tam cá nguyệt thứ 2

Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, có một số điều mà mẹ bầu cần làm để duy trì sức khỏe tốt cho mình và thái nhi:

Khám thai định kỳ

Mẹ bầu cần tiếp tục đi khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề bất thường có thể xảy ra. Các mốc khám thai ở giai đoạn này thường là tuần 14-18, tuần 19-23 và tuần 24-28.

Tập luyện thể dục nhẹ nhàng

Vận động trong thời gian này không chỉ giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe mà còn giúp kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa tình trạng tăng cân quá mức. Hơn thế, tập luyện nhẹ nhàng khi mang thai cũng là cách tốt giúp mẹ bầu có tâm lý thoải mái, ngủ ngon giấc hơn. Mẹ bầu có thể tập luyện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi…

Tiêm chủng phòng uốn ván

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván khi sinh nở, cũng như bảo vệ bé khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn tại vị trí cắt dây rốn, mẹ bầu nên chú ý tiêm phòng vacxin phù hợp để phòng bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ăn uống đủ dinh dưỡng

Giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, để đáp ứng với quá trình phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng cao đáng kể so với giai đoạn tam cá nguyệt đầu. Vì vậy, mẹ cần bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm cũng như các chất dinh dưỡng như Vitamin, Protein, chất xơ và các khoáng chất thiết yếu.

Thai giáo cho em bé trong bụng

Tam cá nguyệt thứ hai, các giác quan và não bộ của bé gần như phát triển hoàn chỉnh, vì thế, mẹ nên áp dụng các phương pháp thai giáo như đọc sách, cho bé nghe nhạc, nói chuyện với bé để giúp phát triển trí não.

Những bất thường khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 mẹ bầu cần lưu ý

Tam cá nguyệt thứ 2 là dấu mốc quan trọng đánh giá sự phát triển nhanh chóng của thai nhi và cơ thể mẹ bầu cùng với nhiều thay đổi đáng kể. Một số bất thường phổ biến thường gặp trong giai đoạn này mẹ bầu cần chú ý:

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý mà nhiều mẹ bầu có nguy cơ mắc phải trong tam cá nguyệt thứ hai. Bởi trong giai đoạn này, các hormone ở cơ thể mẹ thay đổi đột ngột cùng với nhu cầu năng lượng của thai nhi tăng cao làm thay đổi quá trình chuyển hóa Glucose trong cơ thể, dẫn đến mức đường huyết tăng cao.

Thai lưu

Thai lưu có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng cần đặc biệt chú ý trong tam cá nguyệt thứ 2. Bởi đây là giai đoạn nhiều biến chứng có thể xảy ra và ảnh hưởng đến sự sống của thai nhi.

Tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ là vấn đề nghiêm trọng, có thế dẫn đến các biến chứng như tiền sản giật. Nguyên nhân gây tăng huyết áp thai kỳ có thể do bà bầu ít vận động thể chất, chế độ ăn uống chưa khoa học hoặc có các bệnh lý liên quan… Bệnh lý này thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu cần theo dõi chặt chẽ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Tam cá nguyệt thứ ba

Tam cá nguyệt thứ ba bắt đầu từ tuần thứ 28 và kéo dài đến khi sinh. Đây là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ và chuẩn bị cho quá trình sinh con.

Sự phát triển của thai nhi

Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ 3
Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ 3

Trong giai đoạn tam cá nguyệt cuối cùng, thai nhi phát triển mạnh mẽ từng ngày và dần hoàn thiện các cơ quan quan trọng, chuẩn bị cho cuộc sống ngoài bụng mẹ.

  • Tuần 28: Não bộ của bé gần như đã phát triển hoàn chỉnh, các cú đá lúc này của bé cũng trở nên dứt khoát và mạnh mẽ hơn.
  • Tuần 29: Thị lực của bé dần phát triển tốt hơn, bé có thể cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài qua màng loc. Ba mẹ có thể thực hiện thai giáo bằng ánh sáng cho con ở thời điểm này sẽ rất tốt cho phát triển của thai nhi.
  • Tuần 30: não bộ tiếp tục phát triển làm kích thước đầu của bé cũng trở nên to hơn. Khả năng nhắm, mở mắt của bé cũng linh hoạt hơn. Tuần thai này bé đã lớn tương đương 1 cái bắp cải và nặng khoảng 1,3kg.
  • Tuần 31: phổi và thị giác của bé đã hoàn thiện, bé có thể nhìn và phân biệt sáng tối khá tốt. Kích thước lúc này của bé to bằng trái dừa xiêm, dài khoảng 41,2cm.
  • Tuần 32: bé có sự thay đổi ngôi thai, đây được coi là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của bé. Ở tuần thai này, bé con tăng cân khá nhanh, cơ thể dần mũm mĩm hơn, hoàn thành những bước phát triển chủ yếu.
  • Tuần 33: thai nhi nặng khoảng 2,3kg và chiều dài xấp xỉ 43,7cm. Thân nhiệt của bé lúc này ổn định hơn, không còn phụ thuộc vào nhiệt độ cơ thể mẹ nữa. Đồng thời, ngôi thai cũng đã ổn định chúc xuống dưới để sẵn sàng chào đời.
  • Tuần 34: khung xương của bé chắc chắn hơn, hộp sọ cũng mềm để thuận lợi cho quá trình chào đời sắp tới.
  • Tuần 35: bước sang tuần thai này các chức năng trong cơ thể của bé cơ bản đã hoàn thiện, kích thước cũng lớn hơn tương đương với quả bí hồ lô, dài khoảng 46,2cm.
  • Tuần 36-37: “Tổ ấm” của bé lúc này đã chật hẹp hơn, mẹ có thể cảm nhận rõ hơn các cử động của bé trong bụng.
  • Tuần 38: lớp mỡ dưới da của bé dần trở nên dày hơn đảm bảo cho thân nhiệt ổn định khi sinh. Đặc biệt, đây có thể xem là tuần thai cuối cùng của bé, vì thế dù mẹ có sinh em ở thời điểm này thì bé vẫn khỏe mạnh và không bị coi là sinh non.
  • Tuần 39-41: Bé đã phát triển hoàn toàn về thể chất. Đây được coi là thời điểm lý tưởng cho bé chào đời an toàn.

Những thay đổi trong cơ thể mẹ bầu

Tam cá nguyệt thứ 3 là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh chóng về kích thước lẫn các cơ quan trên cơ thể. Đồng thời, cơ thể mẹ cũng phải thích nghi với nhiều thay đổi lớn để chuẩn bị cho việc sinh nở. Những thay đổi này không chỉ về mặt thể chất, mà nó còn ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của mẹ bầu. Một số thay đổi có thể xảy ra trong cơ thể mẹ bầu trong giai đoạn này:

  • Tăng cân
  • Rạn da
  • Tiểu đêm
  • Ợ nóng và khó tiêu
  • Khó thở
  • Đau lưng và hông
  • Phù nề

Xem thêm: Thực đơn cho bà bầu theo từng giai đoạn

Các nguy cơ có thể xảy ra ở tam cá nguyệt thứ 3

Bên cạnh niềm vui mong chờ con yêu chào đời, thì ở tam cá nguyệt này còn đi kèm với những rủi ro cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra:

Tiền sản giật

Tiền sản giật thường xảy ra khi xuất hiện biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ. Đây là tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi nếu không được điều trị kịp thời.

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là hiện tượng nhau thai nằm chặn ngay cổ tử cung của mẹ và cản trở lối ra của bé khi sinh.

Chuyển dạ sinh non

Ở tam cá nguyệt cuối, nguy cơ chuyển dạ sinh non rất dễ xảy ra do kích thước và trọng lượng của thai nhi lúc này khá lớn, gây áp lực lên tử cung và cổ tử cung. Điều này khiến tử cung bị kích thích co bóp sớm dẫn đến thai nhi sinh non.

Ngoài ra, chuyển dạ sinh non còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như do vấn đề về tử cung của mẹ, nhau bong non, rau tiền đạo… Thông thường, tình trạng chuyển dạ sinh non thường xảy ra khi tử cung chuyển dạ trước tuần 37 của thai kỳ.

Nhau bong non

Nhau bong non là tình trạng thường xảy ra do sự phân tách sớm của rau thai bám ra khỏi tử cung. Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện các biểu hiện gồm đau tử cung, chảy máu âm đạo, có thể kèm theo xuất huyết và đông máu nội mạch lan tỏa. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần có sự can thiệp y tế kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Ngôi thai ngược

Tình trạng ngôi thai ngược xuất hiện khi thai nhi nằm trong tử cung với mông hoặc chân hướng xuống phía về đáy chậu của mẹ thay vì đầu. Ngôi thai ngược khiến việc đưa bé ra ngoài khó khăn và để lại nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Những điều mẹ nên làm trong tam cá nguyệt thứ 3

Trong tam cá nguyệt thứ 3, khi thai nhi đã đi đến giai đoạn cuối, bà bầu cần chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và chuẩn bị cho sự ra đời của em bé. Một số điều mẹ bầu nên làm:

  • Khám thai thường xuyên hơn để theo dõi sức khỏe của thai nhi.
  • Tham gia lớp tiền sản để chuẩn bị các kiến thức cần thiết cũng như tinh thần để đón con chào đời.
  • Tập đếm cử động thai.
  • Chuẩn bị đồ sinh cho bé.

Một số câu hỏi liên quan về tam cá nguyệt

Những dấu hiệu nào cho thấy thai nhi phát triển tốt?

Thai nhi được đánh giá là phát triển tốt thông qua những dấu hiệu sau:

  • Thai nhi có cử động đều đặn
  • Nhịp tim luôn ổn định
  • Kích thước bụng bầu của mẹ phù hợp với sự phát triển của thai nhi theo các mốc thời gian
  • Kết quả siêu âm cùng các chỉ số xét nghiệm máu và nước tiểu của mẹ đều cho kết quả bình thường

Làm thế nào để giảm đau lưng trong tam cá nguyệt thứ 3?

Tình trạng đau lưng trong tam cá nguyệt thứ 3 thường xảy ra do trọng lượng thai nhi tăng lên cùng với sự giãn nở của các khớp, dây chằng dưới tác động của hormone. Để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu cần sử dụng các phương pháp giúp giảm áp lực lên lưng như tập luyện thể dục nhẹ nhàng qua các bài tập yoga, thay đổi tư thế ngủ, massage lưng, đứng ngồi đúng cách…

Trên đây là toàn bộ thông tin về tam cá nguyệt thai kỳ. Mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ về “Tam cá nguyệt là gì?“. Nhìn chung, tam cá nguyệt là các giai đoạn quan trọng trong quá trình mang thai. Ở mỗi giai đoạn tam cá nguyệt đều đánh dấu những bước phát triển vượt bậc của bé và những thay đổi trên cơ thể của mẹ. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần nắm được từng giai đoạn phát triển của thai nhi và có những lộ trình chăm sóc phù hợp.

Dược sĩ Cồ Minh Hằng
Đã kiểm duyệt nội dung
Xem thêm thông tin

CÓ THỂ BẠN CŨNG QUAN TÂM